Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

NHANG SẠCH QUẾ _ TỤC ĐỐT NHANG

NHANG SẠCH QUẾ _ TỤC ĐỐT NHANG

Tìm hiểu về cây nhang và tục đốt nhang

Tục đốt nhang (hay còn gọi là thắp hương, dâng hương) đã có ở nước ta từ lâu đời. Nó đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dù là ngày Tết, ngày giỗ chạp hay ngày thường, người ta đều đốt nhang.

1.Nguồn gốc cây hương, tục đốt hương:

Tương truyền, tục đốt hương có từ lâu đời, từ khi con người khám phá ra lửa, những loại cây bị cháy thường toả ra mùi hương, mỗi cây lại có một mùi hương khác nhau. Về sau con người biết sử dụng hương thơm của các loại cây để chữa bệnh, xua đuổi tà khí…đốt lên toả khói nghi ngút, làm ấm áp không gian.


Lại có ý kiến khác cho rằng nguồn gốc việc đốt hương có từ những quốc gia có nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Babylon…Thời đó, hương đốt được làm từ nhựa lấy từ thân của loài cây Boswellia mọc rất nhiều ở miền Nam Ả Rập và Somalia. Cùng với sự phát triển mậu dịch trao đổi, các nền văn minh Tây phương xa xưa cũng áp dụng sự đốt hương, và trong các triều đại Ai Cập như Sheba, Hadramaout và Qataban, đất nước này đã giàu phất lên từ việc xuất khẩu hương liệu.

Nghi thức đốt gỗ chiên đàn đã được thực hành tại Ấn Độ từ những thời rất xa xưa. Từ Ấn Độ, đã theo con đường lan truyền của Phật Giáo, tục đốt hương đã được hình thành tại khắp các xứ vùng Đông Nam Á.

Vân Ðài Loại Ngữ của Lê Quý Ðôn cho rằng thuở xa xưa, người Tàu lấy lửa đốt củi thui các con vật gọi là vật hy sinh, rồi sau thì bắt chước phong tục đốt hương từ Tây phương tức là Ấn Ðộ.

Còn theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, cây nhang có nguồn gốc từ Tây Vực, đốt hương nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa, tục Tàu tế tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ mà đốt cho thơm, chưa có đốt hương. Đến đời Vũ đế nhà Hán, vua sai tướng sang đánh nước Hồn Gia (xứ Tây vực, thuộc Ấn Độ). Vua nước ấy đầu hàng, dâng một tượng thần bằng vàng cho vua Vũ đế đem về đặt trong cung Cam Toàn. Người nước Hồn Gia cũng tế thần ấy, không phải dùng đến trâu, bò mà chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Tục đốt hương bắt đầu từ đấy.

Từ Trung Hoa, tục đốt nhang (hay còn gọi là thắp hương, dâng hương) đã truyền sang nước ta từ lâu đời. Nó đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dù là ngày Tết, ngày giỗ chạp hay ngày thường, người ta đều đốt nhang.

Cũng có thuyết cho rằng đất Việt đã du nhập trực tiếp đốt hương từ Ấn Ðộ, chứ không phải qua đường Trung Hoa. Thuyết này dựa trên việc Thứ sử Giao Châu là Trương Tân thường đốt hương ở Cát Lập tịnh xá để đọc đạo thư. Tục đốt nhang ở ta có lẽ bắt đầu từ đó. Rồi cùng với quá trình phát triển của đạo Phật, tập tục đốt nhang du nhập vào nước ta ngày càng phổ biến.

2.Các loại hương:

Ban đầu, chất nhựa thơm và trầm hương được sử dụng ở Viễn Đông phần lớn đều nhập từ Ả Rập. Tuy nhiên, dần dần những nhà sản xuất nhang thơm, đã tạo ra một công thức bột thơm phổ biến bao gồm nhiều chất khác nhau như: bột gỗ chiên đàn, long diên hương, cây húng quế, benzoin, camphor, hoa lài, cỏ thơm ba lá, cây xạ hương, và cây hoắc hương để tạo ra một loại nhang thơm đặc biệt

Nhang có nhiều loại, nhiều kiểu: nhang thường, nhang ướp hương, nhang tròn, nhang khoanh… tất cả đều có chung một công dụng: đốt lên cho ấm cửa ấm nhà, đốt lên bàn thờ tổ tiên ông bà, bàn thờ Phật vào hai buổi sáng - chiều như gửi một lời chào đến các vị bề trên, nhằm báo cho các vị biết lúc nào chúng tôi cũng nhớ đến các vị. Hương lộc là hương những người đi lễ đầu năm lấy ở các đình chùa về thắp tại bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ thổ công ở nhà, thay vì hái lộc cành cây. Người ta tin rằng hương lộc của Thánh, Phật mang lại sự no ấm, phát đạt.


Nói về công đoạn làm hương thì có 2 cách cơ bản: là nguyên liệu cùng với keo dính trộn đều rồi se dính vào que cốt (chân hương) và cách khác là nguyên liệu rải trên giấy rồi quấn quanh chân hương. Nhiều nén hương đựng trong một bao giấy gọi là Thẻ hương, nhiều thẻ gộp lại thành bó hương.

Ở Việt Nam, nguyên liệu làm làm hương ngoài tăm tre, bao giấy thì bột hương được tạo ra từ: đại hoàng, xuyên khung, mộc lan, cam thảo, đinh hương, nhựa cây trám, tế tân, độc hoạt...Nghề làm hương vất vả, để có được nén hương thơm phải trải qua nhiều công đoạn và tất cả các thành viên trong gia đình đều phải làm việc cật lực từ việc đơn giản đến phức tạp. Người già và trẻ em thường đảm nhiệm những việc nhẹ nhàng như chuốt tăm hương, phơi và thu lượm, đóng bao sản phẩm. Công đoạn khó khăn và phức tạp nhất là khâu pha trộn bột hương. Việc này phải do người có tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm đảm nhiệm bởi nếu pha không đúng liều lượng, hương sẽ không thơm.
3.Ý nghĩa cây nhang trong văn hoá:

Tục đốt nhang đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, đặc biệt trong những ngày Tết. Vì ngày Tết có nhiều việc cúng: nào cúng đất trời, cúng tổ tiên ông bà, cúng ông Táo… Và cây nhang trở thành vật không thể thiếu trong những ngày này.

Người ta thắp hương ở Chùa, Đình, Đền, Phủ, Miếu, Tháp, Am... để cầu mong Thần Linh, Thánh Trời, Phật, Mẫu phù hộ độ trì và mang đến điều tốt lành. Khi thắp hương, người Việt tin rằng khói nhang là cầu nối tâm linh của người sống và người chết, của cuộc sống thực và cõi hư vô, của thế giới hữu hình và vô hình.

Trong các ngày Sóc, Vọng, cúng giỗ, đứng trước ban thờ, thắp nén hương thơm, nhìn làn khói tỏa, miệng “lầm rầm khái vái nhỏ to”, cảm thấy như có gì thần bí, màu nhiệm đang vây quanh mình. Dường như ông bà tổ tiên trên ban thờ đang dần hiển linh, dạy bảo, dặn dò và răn đe bên tai. Khi hương tắt bao giờ cũng là lúc “hóa vàng” tạ lễ và hạ mâm cơm cúng, thức ăn đựoc bày ra, con cháu “thụ lộc”.

Khi gia đình có người thân mất, việc thắp hương sẽ tạo nên không khí ấm cúng, xua đi cái lạnh lẽo của không khí tang ma và khí âm của thi xác người quá cố.

Hương khói sẽ làm ấm lòng vong hồn người nơi cõi âm, vong hồn tiền nhân luôn luôn được gần gũi với dương gian. Do vậy mỗi lần đi viếng mộ, tạ mộ gia chủ đều mang theo thẻ hương.

Đang lúc thắp hương mà gặp cơn gió cả cây hương sẽ cháy bùng lên thành ngọn lửa, và người ta tin rằng ấy là điềm tốt, báo trước sự may mắn quanh năm.

Nén hương, cũng có thêm một ý nghĩa đặc biệt khác nữa, đó là thắp nhang để nhớ đến sự vô thường, tức là không vĩnh viễn - tất cả đều giả tạm. Lúc nén hương tắt cháy thì cũng tượng trưng cho đời người tắt chắy, ngắn ngủi vô thường như thời gian của nén hương... Tàn tro của hương nhắc nhở chúng ta chớ để thời gian trôi qua, uổng phí tháng ngày.

4.Cách thắp hương:

Trong văn hoá thắp hương, khi châm hương không khi nào thổi tắt ngọn lửa mà vẩy hoặc dùng bàn tay phẩy nhẹ. Với những dân tộc khác nhau cách cắm hương, và đốt hương có khác nhau. Điều giống nhau là không phải cứ đốt nhiều là tốt căn bản là tâm thành.

Người Trung Quốc nếu thắp nhang cho các vị thần ăn mặn họ sẽ đốt nhang có chân đỏ, thần ăn chay họ đốt nhang chân vàng, còn đối với cô hồn họ thắp nhang chân xanh.

Người Việt Nam ta thường cắm nhang theo số lẻ hoặc cắm cả bó, không chú trọng vào số chẳn hay số lẻ.

Đối với Phật Giáo, con số lẻ là con số linh thiêng phật giáo quan niệm cuộc sống không có gì là tuyệt đối nên không có gì có thể chẳn được, tất cả đều phải chuyển biến theo quy luật tự nhiên không thể không bất biến. Con số thường hiện diện nhất trong cách cắm nhang là số 1 hoặc số ba. Nếư đốt một cây nhang là chúng ta đang tưởng thưởng đến đời Phật trong hiện tại - Phật Thích Ca, Còn ba cây nhang là sự tượng trưng cho ba đời Chư Phật: Quá Khứ (A Di Đà) - Hiện Tại (Thích Ca) – Tương Lai (Di Lặc), sự tượng trưng cho ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Theo đúng lễ nghi cúng dường chư Phật thì chỉ cần hương, hoa, đèn và nước trong là đủ. Phật hiện diện không phải nơi chùa chiền mà trong tâm mỗi con người, chính vì thế ngoài nén hương đốt bằng ngọn lửa đỏ, con người ta còn dùng tâm thuần thành, tín ngưỡng để đốt lên nén tâm hương dâng cúng đấng tối cao.


Cắm hương là là cách thức gieo xuống những nghiệp thiện, những hành động tốt đẹp, thơm tho dịu mát vào mảnh đất tâm của chính mình và mọi người. Đốt hết tất cả những não phiền đang thiêu đốt con người. Vì vậy, cây nhang lúc nào cũng ngay thẳng.

Không chỉ Phật giáo, mà cả các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo cũng dùng hương trong các ngày lễ của mình. Người Thiên Chúa giáo xông hương trong các thánh lễ, trước bàn thờ, trước cuốn Kinh Thánh, mình Thánh, rượu Thánh và cả linh cửu của người đã mất... Trước thời Chúa Giê-su (Jesus), những hương liệu như loại trầm frankincense có giá trị hơn cả vàng bạc châu báu. Đó là vì cổ nhân tin rằng những loài cỏ cây thơm là do chư Thiên ban cho từ trên cao và đã thấm nhuần hương thơm của Đức Chúa Trời.

2 nhận xét:

  1. Lâu nngày tìm hiểu về Nhang Quế gặp bài chia sẻ rất thú vị. Chúc bạn kinh doanh thành công và ngày càng phát triển nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh Nguyễn Thái Duy, Nhang Sạch Nhang Quế đang áp dụng những kiến thức được anh chia sẻ vào việc phát triển sản phẩm của mình.

      Những kiến thức trong lớp SID mà e đã học thật tuyệt vời.

      Trong thời gian qua rất nhiều người tiêu dùng đã tìm đến sản phẩm Nhang Sạch Nhang Quế từ Internet.

      Chúc anh Duy nhiều sức khỏe để tiếp tục chia sẻ kiến thức này đến nhiều người hơn.

      Xóa